Có hai
truyền thuyết về thầy Nại được người dân Phú Quý lưu
truyền. Truyền thuyết thứ nhất kể lại rằng: Thầy Nại vốn là nhà địa lý thiên
văn tài ba người Hoa, thầy thường theo các thuyền buôn của người Tàu vượt đại
dương đến nhiều nước trên thế giới để hành nghề. Qua nhiều chuyến hải trình, có
lần thầy và các thủy thủ ghé vào đảo Phú Quý để nghỉ ngơi, từ đó ông mới phát
hiện địa hình, địa thế đảo Phú Quý là
một vùng địa linh so với các hòn đảo khác. Sau khi rời đảo, ông đã thổ lộ với
các thủy thủ đoàn và gia đình ước nguyện của mình là sau khi qua đời hãy đưa
tro cốt của ông đến đảo Phú Quý an
táng.
Một thời
gian sau khi thầy quy thiên, người dân trên đảo đã đồng tâm góp công sức, tiền
của để xây đền thờ thầy trên một khu đồi cao ở làng Phú An, xã Ngũ Phụng. Trải
qua nhiều thế kỷ tồn tại, đền thờ thầy Nại được các thế hệ người dân trên đảo
bảo quản, tôn tạo ngày càng tôn nghiêm và bề thế. Lần trùng tu gần đây vào năm
2002 đã mở rộng và nâng thêm vẻ trang trọng và tôn nghiêm của đền. Quần thể
kiến trúc đền thầy Nại hiện nay khá quy mô, bao gồm nhiều hạng mục chính như:
cổng Tam quan, cột cờ, bình phong, võ ca và điện thờ chính. Tất cả được bố trí,
lắp ghép một cách hài hòa và uyển chuyển phù hợp với kiến trúc tôn giáo và chức
năng của đền.
Ngày mùng
4 tháng Tư năm Nhâm Thìn (?) ông qua đời, theo ý nguyện của thầy một đoàn
thuyền buồm của người Hoa đã xuất phát từ biển Bắc, mất 6 ngày 6 đêm để mang
tro cốt ông đến đảo Phú Quý an táng.
Đoàn thuyền mang tro cốt thầy ghé vào đảo đúng vào thời điểm ban đêm nên dân chúng
trên đảo không ai hay biết. Việc cúng tế và an táng thầy diễn ra trong đêm hôm
đó. Sáng hôm sau, người dân trên đảo đi làm mới ngạc nhiên khi phát hiện có rất
nhiều hương đèn, hoa quả và các loại lễ vật như: gà, heo, trà rượu…tại khu vực
mộ thầy hiện nay mà không hề thấy bóng dáng người. Tin đồn lan nhanh khiến
người dân trên đảo tò mò kéo nhau đến xem rất đông và người ta phát hiện có một
chiếc thạp sành đựng tro cốt được chôn tại đây.
Truyền
thuyết thứ hai: Thầy Nại là một thương gia người Hoa ở thế kỷ XVI, ông thường
theo các thương thuyền vượt đại dương đến nhiều nước để buôn bán, ngoài buôn
bán ông còn là một thầy thuốc giỏi. Trong một chuyến buôn bán, thuyền của ông
bị bão tố đẩy dạt vào đảo Phú Quý. Lúc
này trên đảo đã có vị công chúa Bàn Tranh con của vua Chăm sinh sống.
Thầy đã kết nghĩa chị em với công chúa và ở lại sinh sống và bốc thuốc chữa
bệnh, cứu giúp dân đảo. Sau khi qua đời, xác ông đã được an táng lại trên đảo.
Mộ thầy được an táng lại làng Thoại Hải (xã Long Hải) xây bằng đá gành theo
kiểu dáng hình tròn có đường kính 3,2m, thành mộ dày 60cm – cao 1m.
Sau khi
thầy qua đời, hàng năm cứ đến ngày mùng 4 tháng tư âm lịch, dân chúng khắp các
làng trên đảo tề tựu về mộ cúng tế và cầu nguyện thầy phù hộ, độ trì. Cũng theo
người dân trên đảo, sau khi quy thiên, thầy hóa thành một vị thần rất hiển linh
và thường xuyên phù hộ, cứu giúp dân lành. Hiện thân của thầy là 3 tiếng sấm nổ
vang và một ánh hào quang hình tròn sáng rực như mặt trời. Từ trước đến nay,
các thế hệ người dân trên đảo luôn tin tưởng vào sự linh ứng, trợ giúp của
thầy. Rất nhiều người đã được thầy cứu giúp để vượt qua những cơn nguy biến,
nhất là các ghe thuyền gặp nạn ngoài khơi hay trong lúc chiến tranh hoạn lạc…
mỗi khi gặp nạn, người ta cầu khấn nhờ thầy cứu giúp là tức khắc ngay sau đó
thầy xuất hiện với 3 tiếng sấm nổ vang và một quầng hào quang sáng rực để giải
thoát cho người bị nạn.
Sự linh
ứng trong việc trợ giúp dân làng của thầy đã được các vua triều Nguyễn công
nhận,.
Cũng như đền
thờ công chúa Bàn Tranh, việc phụng thờ, cúng tế thầy Nại do bổn điền 9 làng
của 3 xã trên đảo luân phiên nhau thực hiện. Mỗi làng được giữ sắc phong và thờ
phụng, cúng tế thầy trong một năm, qua năm sau luân chuyển qua làng khác.
Lễ hội
tại Đền Thờ Thầy Nại mỗi năm diễn ra 2 đợt: lễ rước sắc thầy vào mùng
3 tháng Giêng âm lịch và kỵ thầy giao phiên vào mùng 4 tháng tư âm lịch. Trong
lễ rước sắc thầy mùng 3 tháng Giêng âm lịch, làng đang phụng thờ thầy chuẩn bị
đoàn lễ (kiệu, cờ đại, cờ trung, cờ tiểu, tàng, lọng, chiêng, trống, bát bửu…)
rước sắc phong của thầy từ làng đến đền thơ thầy Nại, các lễ vật dâng lễ thầy
trong nghi lễ này gồm có bò, heo, gà, hoa quả, trầu cau, trà rượu…
Có thể
nói Phú Quý là điểm du
lịch lý tưởng cho những ai thích khám phá và trải nghiệm thiên nhiên, sống trên
một hoang đảo luôn có cảm giác thú vị và thích thú vì được hòa mình
vào thiên nhiên hoang sơ.Lễ hội tại đền thờ thầy Nại là ngày hội văn hóa dân
gian độc đáo của người dân trên đảo. Đó cũng là một nét đẹp riêng trong đời
sống tâm linh tín ngưỡng của người dân Phú Quý.