Đám
cưới có cũng như không
Tục
cưới hỏi trên đảo Phú Quý rất
đơn giản gần như không ai để ý đến. Trước đây trên đảo không có đường nhựa,
không có xe ô tô, gắn máy nên khái niệm “lên xe hoa” càng không thể có. Ngư dân
chỉ biết thuyền ghe, thúng và bạn ghe - những người làm thuê.
Buổi
chiều, tất cả đàn ông, trẻ con trên 10 tuổi đều ra biển đánh bắt cá, câu mực.
Trên bờ chỉ còn lại đàn bà, người già và trẻ nhỏ. Khái niệm về ngày tốt, ngày
xấu cũng không có. Biển không bị động, đánh bắt nhiều cá mực, an toàn thì đó là
ngày tốt.
Những chàng trai ngư dân khỏe mạnh khi đến tuổi trưởng thành, sẽ được các cô
gái quan tâm đến với những thành tích như: lặn sâu, lâu nhất, đánh cá giỏi, câu
mực nhiều, hoặc giả bị bão tố vẫn sống trên biển nhiều ngày…thành tích nổi trội
này là tâm điểm để các cô gái biển quan tâm hơn là con ông chủ ghe, hay một gia
đình giàu có sẵn.
Vì
một lẽ, nghề biển là nghề bạc, của cải trời đất và biển cả hào phóng ban tặng
rất nhiều, vô số kể. Nhưng chỉ một cơn thịnh nộ, giận dữ cuồng phong, biển sẽ
lấy lại của con người tất cả, kể cả sinh mạng. Câu nói “ dân ba đời
ghe” hàm ý về sự khắc nghiệt, luật nhân quả của biển khơi, của trời đất là
vậy.
Nếu
để ý, nhớ nhung một cô gái, không cần mai mối dạm ngõ như các nơi, chàng trai
trình bày với cha mẹ, người thân hoặc với chủ ghe nếu không còn người thân.
Nhân dịp nhà bên cô gái có tiệc tùng, đám giỗ nhà trai sang “đánh tiếng” . Tục
lệ ở trên đảo gọi là “nói chừng”.
Nghĩa
là đề cập việc con cái muốn thành vợ chồng. Việc này không cần bất cứ lễ vật
hay nghi lễ gì cả. Cộng đồng cư dân trên đảo không đông, không bị chi phối bởi
tác động từ bên ngoài nên các gia đình đều rất biết nhau, quen nhau như trong
đại gia đình. Con ai, nhà ai, ghe ai tất cả đều rành rẽ.
Nếu nhà
cô gái đồng ý, thì chính thức ngay sau đó, chàng trai đã có thể đến nhà gái để
ngủ. Không cần nghi lễ động phòng hay tuần trăng mật, những cặp uyên ương trên
xây tổ rất tự nhiên, rất đơn giản như biển và thuyền ghe không thể thiếu nhau.
Cô gái cũng chính thức trở thành vợ anh chàng kia mà không cần tốn kém, thách
cưới gì cả. Rất ít có đám từ chối lời“nói chừng” của nhà trai. Vì các điều
kiện cần và đủ đã hội tụ, nên việc “nói chừng” là cái cớ để xác lập hôn nhân.
Thông
thường nhà có con gái bao giờ cũng dành buồng riêng. Nếu gia đình khá giả có
thể cho luôn căn nhà riêng cho hai bạn trẻ xây tổ ấm. Chàng rể ban ngày làm
việc bên gia đình mình, tối về ngủ với cô dâu. Nếu hai bên gia đình có công
việc, hoặc giỗ kỵ, dựng nhà mới…thì sang “mượn” cô dâu, hoặc chú rễ về nhà giúp
vài hôm tùy theo công việc.
Thời
gian “ngủ bên nhà vợ” nếu xảy ra những mâu thuẫn, hay phát hiện sự rạn nứt, bất
ổn nào đó trong hạnh phúc, tình yêu chàng trai có thể “chia tay” mà không cần
phải hòa giải hoặc ly hôn. Cũng không hiếm những trường hợp sau thời gian chung
sống rất ngắn ngủi, các cô vợ “sa thải” chồng vì những lý do không thể chung
sống lâu dài. Bao giờ thì cô dâu về sống bên nhà chồng?
Câu trả
lời: bao giờ cũng được nhưng có điều kiện. Nhà chồng cảm thấy cần có con dâu
chung sống, phải được con dâu đồng thuận thì chọn dịp nhà bên gái có giỗ kỵ,
tiệc vui sang trình bày và xin đưa con dâu về sống.